Lịch sử Trần

Tại Trung Quốc

Danh từ họ Trần bắt nguồn từ họ Quy (媯, bính âm: Gūi), một họ Trung Quốc cổ, hậu duệ của vua Thuấn, một trong Tam Hoàng Ngũ Đế.[2] Khi Chu Vũ Vương thiết lập nhà Chu, ông đã dành vùng đất Trần cho các con cháu vua Thuấn thành lập quốc gia riêng. Để thể hiện sự kính trọng tới vua Thuấn, tiểu quốc Trần được xem là một trong ba khách quốc của nhà Chu (tam khác, 三恪, bính âm: Sān Kè), nghĩa là quốc gia này không bị lệ thuộc mà chỉ là khách. Tuy nhiên, về sau, lãnh thổ này bị nước Sở chiếm đóng vào thế kỷ V TCN. Từ đó, những người sống tại đây lấy Trần làm họ của mình.

Vùng đất Trần thời Chu Vũ Vương cũng là nơi Vĩ Mãn (Quy Mãn), con Ngu Yên, hậu duệ vua Ngu Thuấn được phong vương và khởi sinh họ Hồ tại đây. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, Hồ công Mãn là thủy tổ họ Trần chứ không phải họ Hồ. Vua Chu Vũ Vương sau khi diệt nhà Thương, tìm được Quy Mãn là dòng dõi vua Thuấn và phong cho làm vua nước nước Trần. Sau khi mất, Mãn được đặt thụy hiệu là Trần Hồ công. Công là tước, Hồ là thụy hiệu chứ không phải họ. Từ Trần Hồ công truyền các đời, tới Trần Tương công, Trần Thân công....

Tại Việt Nam

Tổ tiên của dòng dõi nhà Trần tại Việt Nam có nguồn gốc ở quận Tần Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa. Đất Mân là vùng cư trú của tộc Mân Việt thuộc dòng Bách Việt. Người Bách Việt vốn sống từ sông Trường Giang về phía Nam. Theo nghiên cứu của học giả Đào Duy Anh có tới 500 tộc Bách Việt sống rải rác ở Hoa Nam Trung Quốc, Miến Điện, bắc Việt Nam, bắc Lào, hình thành một số bộ tộc lớn: người Âu Việt ở vùng Chiết Giang-Trung Quốc ngày nay, người Mân Việt ở vùng đất Mân (tỉnh Phúc Kiến)-Trung Quốc ngày nay, người Dương Việt ở vùng đông Hồ Nam, một phần Hồ Bắc, Giang Tây, Quảng Đông, người Lạc Việt ở vùng tây Hồ Nam, Quảng Tây, phần bắc và trung Việt Nam ngày nay, người Điền Việt ở vùng Vân Nam-Trung Quốc ngày nay.

Thời Kinh Dương vương dựng nước đặt tên nước là Xích Quỷ (tên hai ngôi sao ứng với vùng đất này), đông giáp biển Đông, tây giáp Ba Thục (tỉnh Tứ Xuyên-Trung Quốc ngày nay), bắc giáp hồ Động Đình (tỉnh Hồ Nam – Trung Quốc ngày nay), nam giáp Hồ Tôn (tỉnh Khánh Hòa–Việt Nam ngày nay). Sau khi thống nhất Trung Quốc, năm 218 trước công nguyên, Tần Thủy Hoàng mở cuộc chiến tranh xâm lược ra các nước xung quanh, sai tướng Đồ Thư đem 50 vạn quân đi trường kỳ đánh người Việt ở phương nam. Trước sức mạnh của quân Tần, các tộc Việt lui dần về phía Nam. Năm 208 trước công nguyên, liên quân Lạc Việt, Tây Âu và các tộc Việt khác đã hợp lực đại phá quân Tần, giết chết Đồ Thư, tiêu diệt mấy chục vạn quân Tần. Tần Nhị Thế buộc phải bãi binh. Vùng đất chiếm được, nhà Tần đặt thành các quận, huyện. Đất Mân đặt tên là quận Mân Trung. Đến đời nhà Đường đặt tên là Phúc Kiến quan sát sứ, rồi sau này đổi thành tỉnh Phúc Kiến ngày nay.

Trần Quốc Kinh từ Phúc Kiến sang Việt Nam vào khoảng năm 1110, thời vua Lý Nhân Tông (1072-1127), lúc đầu cư trú tại xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh ngày nay; sống bằng nghề chài lưới trên sông nước, trên đường làm ăn chuyển dần vào hương Tức Mạc, huyện Thiên Trường (Nam Định). Đến đời con là Trần Hấp dời mộ tổ sang sinh sống tại Tam Đường, phủ Long Hưng, nay là vùng đất thuộc Thái Bình.[3] Trần Hấp sinh ra Trần Lý. Trần Lý sinh ra Trần Thừa (sau được tôn là Trần Thái Tổ), Trần Tự KhánhTrần Thị Dung.